Thái Nguyên triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai các phương án ứng phó với nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Lực lượng chức năng di dời người dân xã Nam Hòa, Đồng Hỷ (cũ) ra khỏi vùng ngập sâu nguy hiểm
Lực lượng chức năng di dời người dân xã Nam Hòa, Đồng Hỷ (cũ) ra khỏi vùng ngập sâu nguy hiểm

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp hoạt động mạnh kết hợp với hội tụ gió ở độ cao khoảng 5.000 m, từ đêm 9/7 đến hết ngày 11/7/2025, trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Trong cơn dông có thể kèm theo lốc, sét và gió giật mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sạt lở đất đá, ngập lụt cục bộ, lũ ống và lũ quét tại các khu vực miền núi.

Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai các phương án ứng phó với nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các xã, phường không lơ là, chủ quan và nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 11/CĐ-UBND ngày 29/6/2025 về chủ động ứng phó với mưa lớn. Đồng thời, triển khai các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi, hồ chứa, đê điều và khu vực hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết các hồ chứa và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Chủ tịch UBND các xã, phường chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mưa, lũ theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương, chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh, trong đó tập trung một số nội dung: Tổ chức tốt công tác truyền thông, cập nhật đầy đủ, thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và dự báo thiên tai để Nhân dân chủ động ứng phó, không để xảy ra tình trạng người dân không nắm được thông tin. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở, sụt lún đất và thông tin kịp thời, đầy đủ cho người dân để chủ động phòng tránh; thực hiện chế độ báo cáo tình hình diễn biến thiên tai theo quy định.

Cùng với đó, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động, kiên quyết sơ tán, di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn đảm bảo giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không đảm bảo an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Kiểm tra, rà soát các công trình xung yếu, các công trình đang thi công dở dang; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư và các khu vực hầm lò, khai thác khoáng sản. Sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư; chủ động lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Chủ tịch UBND cấp xã, phường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra thiệt hại lớn do chủ quan, lơ là.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai để cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết, chủ động triển khai công tác ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp cụ thể phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp với diễn biến, tình huống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an, quân đội chủ động phối hợp với các địa phương triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Bên cạnh đó, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên theo dõi sát diễn biến thời tiết, kịp thời cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Báo và Phát thanh, Truyền hình tỉnh tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin để người dân nắm được thông tin về nguy cơ, diễn biến thiên tai, biết được kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai, nhất là sạt lở, sụt lún đất đá, lũ ống, lũ quét, ngập lụt nhằm hạn chế thiệt hại. Ngoài ra, các sở, ban, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét để giảm thiểu thiệt hại.

PV

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *