(Dân trí) – Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu phải “hồi sinh” sông Tô Lịch trước ngày 2/9, đến nay một số hạng mục đã hoàn thành, nhiều hạng mục vẫn đang thực hiện.
Liên quan đến công tác cải tạo, chỉnh trang, vệ sinh môi trường hai bên sông Tô Lịch và việc bổ cập nước vào sông Tô Lịch, theo báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội, sở đã hoàn thành giai đoạn 1 việc nạo vét bùn lòng sông (từ phố Hoàng Quốc Việt đến cầu Khương Đình) với chiều dài tuyến khoảng 7km.
Dự kiến, trong tháng 8 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 (từ cầu Khương Đình đến chùa Long Quang) với chiều dài 5km.
Về nội dung đấu nối hơn 60 cửa xả còn lại dọc sông Tô Lịch (bổ sung thu gom cửa xả từ Hoàng Quốc Việt đến đập dâng), đến nay đã hoàn thành đấu nối 19/63 cửa, các cửa còn lại đang thực hiện và dự kiến thi công xong trong tháng 7 để thực hiện chỉnh trang sau quá trình thi công trong tháng 8.
Theo báo cáo, các cửa xả còn lại từ khu vực đập dâng đến cuối sông Tô Lịch (ngã ba sông Tô Lịch, Nhuệ) phía bờ phải sông Tô Lịch còn khoảng 10 cửa xả, bờ trái hạ lưu sông Kim Ngưu còn khoảng 63 cửa xả, các đơn vị liên quan đã nghiên cứu đề xuất dự án riêng về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Đối với công tác chỉnh trang vệ sinh môi trường, cây xanh 2 bên sông, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật và các nhà thầu thực hiện công tác duy trì cây cảnh, cây mảng, thảm cỏ trên tuyến đường Láng và dọc bờ sông Tô Lịch thường xuyên, liên tục.
Về phương án bổ cập nước sông Tô Lịch, theo Sở Xây dựng Hà Nội, trước mắt, sử dụng nguồn nước từ Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây. Về lâu dài, sở đang phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án lấy nước bổ cập từ sông Hồng.
Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu từ nay đến trước ngày 30/8, các phường dọc hai bên bờ sông Tô Lịch phải triển khai xong toàn bộ việc cải tạo, chỉnh trang hai bên sông như lát vỉa hè, làm lan can, trồng cây xanh, thảm cỏ.
Việc thi công các cửa xả thi công xong đến đâu dọn dẹp sạch sẽ hoàn trả mặt bằng sạch, đẹp đến đấy, theo yêu cầu của lãnh đạo Hà Nội.
Về bổ cập nước cho sông Tô Lịch, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu việc lấy nước từ hồ Tây phải nghiên cứu, đảm bảo đủ công suất, nghiên cứu phân tích kỹ mẫu nước, đánh giá để không làm biến đổi thủy văn môi trường nước.
Cùng với đó, phối hợp với đập dâng khu vực hạ nguồn Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, tạo ra được nguồn nước bổ trợ thêm vào sông Tô Lịch, theo lãnh đạo Hà Nội.
Về phương án lấy nước từ sông Hồng bổ cập cả cho hồ Tây và sông Tô Lịch, lãnh đạo Hà Nội giao các cơ quan, đơn vị liên quan phải kiểm soát, đánh giá rất chặt chẽ về tổng mức đầu tư, chi phí thành phần, khai thác vận hành, chi phí vận hành duy tu bảo dưỡng…
Đặc biệt, khi bổ cập nước vào hồ Tây phải kiểm soát chặt chẽ các điều kiện môi trường thủy văn, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của Hồ, theo yêu cầu của lãnh đạo Hà Nội.
Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội hồi cuối tháng 11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm dành nhiều thời gian nói về hai vấn đề rất quan trọng là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông.
Từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp nhằm hồi sinh sông Tô Lịch nhưng chưa đạt được kỳ vọng. Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết đã có khoảng 30.000 tỷ đồng đầu tư các dự án làm sạch sông Tô Lịch nhưng đến nay chưa đạt kỳ vọng.
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ trước mắt là xử lý ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là sông Tô Lịch.
Ngay sau đó, Bí thư và Chủ tịch Hà Nội đã đi kiểm tra thực tế và yêu cầu phải “hồi sinh” sông Tô Lịch trước ngày 2/9.