GĐXH – Ngân hàng BIDV, Agribank, Techcombank cảnh báo các thủ đoạn diễn ra với những chiêu thức ngày càng tinh vi và phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, tài chính của khách hàng.
BIDV, Agribank, Techcombank phát cảnh báo khẩn tới người dân cả nước
Không nên lưu hình ảnh CCCD hay giấy tờ cá nhân trong điện thoại. Ảnh minh hoạ.
Trước làn sóng tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và có tổ chức, mới đây các ngân hàng BIDV, Agribank, Techcombank đã phát đi cảnh báo khẩn tới hàng triệu khách hàng, nhằm nâng cao cảnh giác và bảo vệ an toàn thông tin tài khoản cá nhân.
Theo đó, các thủ đoạn diễn ra với những chiêu thức ngày càng tinh vi và phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, tài chính của khách hàng. Những đối tượng lừa đảo thường lợi dụng uy tín của các tổ chức tài chính, cơ quan Nhà nước hay dịch vụ bưu chính để thực hiện hành vi lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn SMS hoặc mạng xã hội.
Trong đó, các đối tượng thường giả mạo cơ quan Nhà nước (công an, tòa án, cơ quan thuế…) để gửi đường link/website giả mạo dịch vụ công, yêu cầu khách hàng cài đặt các ứng dụng giả (VNeID, ứng dụng của Tổng cục thuế…). Từ đó, kẻ gian chiếm quyền điều khiển thiết bị, đánh cắp thông tin bảo mật và thực hiện giao dịch chuyển tiền trong tài khoản của khách hàng.
Ngoài ra, các đối tượng cũng có thể giả mạo cơ quan có thẩm quyền (tòa án, công an, viện kiểm sát) đe dọa khách hàng có liên quan đến các hành vi phạm pháp (gây tai nạn giao thông, liên quan đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy, buôn lậu, nợ cước viễn thông quốc tế) nhằm ép buộc mở tài khoản, cung cấp thông tin, cài đặt ứng dụng hoặc chuyển tiền đến tài khoản chỉ định.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn giả mạo website, phần mềm ứng dụng ngân hàng số BIDV SmartBanking, fanpage hoặc tin nhắn SMS của ngân hàng, gửi đường link giả mạo để đánh cắp thông tin người dùng.
Một hình thức khác là giả danh nhân viên ngân hàng, liên hệ với khách hàng để hỗ trợ xử lý giao dịch lỗi, hỗ trợ tra soát, mở thẻ tín dụng, sau đó yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập, thẻ và mã OTP nhằm chiếm đoạt tiền.
Đáng chú ý, thủ đoạn mạo danh nhân viên chuyển phát, liên lạc với khách hàng để thông báo bưu gửi sắp giao và yêu cầu thanh toán phí giao hàng nhỏ cũng đang gia tăng. Sau khi lừa chuyển khoản, đối tượng sẽ tiếp tục dựng thêm tình huống giả mạo và gây áp lực, thúc ép khách hàng thực hiện các thao tác phức tạp như đăng nhập ngân hàng số qua link lạ, nhập OTP vào biểu mẫu giả mạo, giữ nút chuyển tiền hoặc xác nhận thông tin tài khoản. Thủ đoạn này nhằm đánh cắp thông tin bảo mật và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.
Trước tình hình này, BIDV khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không chuyển tiền hoặc cung cấp bất kỳ thông tin bảo mật nào (thông tin đăng nhập ngân hàng số, thông tin thẻ, mã OTP…) cho người tự xưng là công an, nhân viên giao hàng, nhân viên chuyển phát thẻ hay nhân viên ngân hàng qua điện thoại, tin nhắn hay mạng xã hội. BIDV khẳng định không yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật dưới bất kỳ hình thức nào.
Khách hàng cũng cần đặc biệt lưu ý không truy cập và tải ứng dụng từ các đường link không rõ nguồn gốc. BIDV không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như SMS, email, Zalo, Viber, Messenger…
Do đó, nếu nhận được các đường link lạ, khách hàng tuyệt đối không bấm vào. Trường hợp đã bấm vào đường link, khách hàng không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, ngày hết hạn, mã bảo mật CVV, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân khác.
Agribank khuyến cáo khách hàng cần chủ động bảo vệ tài khoản thông qua ứng dụng Agribank Plus. Ứng dụng này cho phép người dùng theo dõi lịch sử giao dịch, khóa hoặc mở thẻ khi cần thiết, và điều chỉnh hạn mức thanh toán trực tuyến một cách linh hoạt.
Agribank cũng nhấn mạnh, khách hàng tuyệt đối không được tiết lộ mã OTP, số thẻ, mã CVV, ngày hết hạn thẻ… cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là cán bộ ngân hàng hay cơ quan chức năng. Đồng thời, không nên truy cập các đường link lạ, quét mã QR không rõ nguồn gốc, hay cài đặt ứng dụng theo hướng dẫn từ người không quen biết.
Khách hàng cần thường xuyên kiểm tra tin nhắn, thông báo từ Agribank để kịp thời phát hiện những giao dịch bất thường.
Còn theo Techcombank, các đối tượng tội phạm công nghệ cao đang sử dụng nhiều chiêu trò ngày càng tinh vi, trong đó có hai thủ đoạn nổi bật.
Thứ nhất, gian lận tại ATM/CDM bằng cách gắn thiết bị camera siêu nhỏ và công cụ skimming để đánh cắp dữ liệu thẻ. Từ đó, kẻ gian có thể làm giả thẻ và rút tiền trái phép từ tài khoản khách hàng.
Thứ hai, giả mạo văn bản, email và nhân viên ngân hàng để đánh lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân như số tài khoản, mã OTP, mã PIN, CVV, ngày hết hạn thẻ… hoặc lừa truy cập vào các đường link độc hại. Nạn nhân có thể bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản một cách âm thầm.
BIDV, Agribank, Techcombank đưa ra khuyến cáo cụ thể về những điều nên và không nên thực hiện
Nên:
– Chỉ giao dịch, xác minh thông tin qua các kênh chính thức của của ngân hàng hoặc ứng dụng ngân hàng điện tử.
– Chủ động theo dõi biến động tài khoản, báo ngay cho ngân hàng khi phát hiện giao dịch bất thường.
– Kiểm tra kỹ khu vực đặt thẻ và bàn phím tại ATM/CDM trước khi giao dịch, che tay khi nhập mã PIN.
Không nên:
– Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản, OTP, CVV cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào.
– Không thực hiện giao dịch tại ATM/CDM nếu phát hiện thiết bị lạ, camera bí mật hoặc bàn phím giả.
– Không truy cập các đường link đáng ngờ, đặc biệt là từ email hoặc tin nhắn yêu cầu “xác minh thông tin” tự xưng là ngân hàng.
Các ngân hàng cũng cho biết đã tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra định kỳ tại hệ thống ATM/CDM, đồng thời mở rộng các kênh tiếp nhận phản ánh của khách hàng 24/7. Ngân hàng cũng khuyến khích khách hàng nâng cao hiểu biết về an toàn thông tin và lan tỏa các cảnh báo để cùng cộng đồng phòng ngừa các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi.