4 trường hợp này được hoàn trả tiền đóng BHYT năm 2025, người dân cần biết để đảm bảo quyền lợi

GĐXH – Dưới đây là 4 trường hợp được hoàn trả tiền đóng BHYT năm 2025 theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Những trường hợp nào được hoàn trả tiền đóng BHYT năm 2025?

Theo Điều 20 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 và Quyết định 896/QĐ-BHXH 2012 quy định, người đang tham gia BHYT theo nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình được hoàn trả tiền đóng BHYT trong 04 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó (có thứ tự đóng xếp sau đối tượng mới theo quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008)

– Số tiền hoàn trả: Tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ.

– Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ: Tính từ thời điểm thẻ BHYT được cấp theo nhóm mới bắt đầu có giá trị sử dụng.

Trường hợp 2: Được ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng BHYT

– Số tiền hoàn trả: Tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ.

– Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ: Tính từ thời điểm quyết định của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực.

Trường hợp 3: Bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng

– Số tiền hoàn trả: Tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ.

– Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ: Tính từ thời điểm thẻ có giá trị sử dụng.

Trường hợp 4: Do đóng trùng

– Số tiền hoàn trả: Tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ.

– Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ: Tính từ thời điểm thẻ BHYT được cấp theo nhóm mới bắt đầu có giá trị sử dụng.

(Trường hợp đóng trùng được hoàn trả tiền đóng BHYT theo quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Điều 20 và Điểm 2.1 Khoản 2 Điều 20 Quyết định số 595/QĐ-BHXH năm 2017).

4 trường hợp này được hoàn trả tiền đóng BHYT năm 2025, người dân cần biết để đảm bảo quyền lợi- Ảnh 1.

Nhiều trường hợp được hoàn trả tiền đóng BHYT năm 2025. Ảnh minh họa: TL

 Thủ tục hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế

– Thủ tục hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1. Lập, nộp hồ sơ gửi Cơ quan BHXH Người tham gia: lập Tờ khai TK1-TS.

(Trường hợp người tham gia chết thì thân nhân người tham gia: lập Tờ khai TK1-TS)

Bước 2. Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ.

Bước 3. Người tham gia nhận kết quả đã giải quyết.

Người tham gia hoặc thân nhân người tham gia có thể nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH theo một trong các hình thức sau:

– Qua giao dịch điện tử: Người tham gia đăng ký nhận mã xác thực và gửi hồ sơ điện tử đến Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN (nếu đã đăng ký sử dụng dịch vụ I-VAN); trường hợp không chuyển hồ sơ giấy sang định dạng điện tử thì gửi hồ sơ giấy cho cơ quan BHXH qua bưu chính;

– Qua bưu chính;

– Trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan BHXH nơi quản lý (hoặc nơi cư trú) hoặc tại Trung tâm Phục vụ HCC các cấp.

Bảo hiểm y tế là gì?

Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Mục tiêu của bảo hiểm y tế (BHYT) là giúp làm giảm gánh nặng tài chính cho người tham gia BHYT khi thăm khám chữa bệnh và tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng hơn dựa trên nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người cùng tham gia BHYT.

Chi phí khám chữa bệnh BHYT sẽ do Quỹ bảo hiểm y tế và người bệnh cùng chi trả.

Trong đó, căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật BHYT 2008 sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 35 Điều 1 Luật BHYT 2024:

Quỹ bảo hiểm y tế là quỹ tài chính được hình thành từ nguồn đóng BHYT và các nguồn thu hợp pháp khác, được sử dụng để chi trả chi phí KCB cho người tham gia BHYT, chi phí quản lý bộ máy của cơ quan bảo hiểm xã hội và những khoản chi phí hợp pháp khác liên quan đến BHYT.

Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu, chi và được Nhà nước bảo hộ.

Năm 2025, các quy định về bảo hiểm y tế vẫn sẽ được áp dụng theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 cho đến hết ngày 30/6/2025. Từ ngày 01/7/2025 nhiều quy định mới trong lĩnh vực BHYT sẽ chính thức áp dụng theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Bảo hiểm y tế có bắt buộc phải tham gia hay không?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế 2014: Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

L.Vũ (th)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *