Không ít trường hợp cha mẹ không để lại di chúc và lúc còn sống cũng không có những quan điểm rõ ràng về việc chia phần tài sản cho con cái, nhất là nhà cửa, đất đai.
Điều đó dẫn tới việc các con kể lể công trạng nuôi dưỡng cha mẹ, ở cùng cha mẹ để tính thiệt hơn trong việc thừa kế. Vậy luật pháp quy định về điều này như thế nào?
Thế nào là phụng dưỡng cha mẹ?
Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:
- Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
Điều đó cho thấy việc phụng dưỡng cha mẹ không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm được luật định.
Trên thực tế có nhiều gia đình, việc phụng dưỡng chủ yếu đè nặng lên vai người sống cùng cha mẹ.

Người không phụng dưỡng cha mẹ có được quyền thừa kế không?
Theo Luật Dân sự có thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Nếu cha mẹ để lại di chúc và di chúc hợp pháp thì việc chia thừa kế sẽ thực hiện theo di chúc.
Trong Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ ràng về các trường hợp không được quyền thừa kế gồm:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.Theo đó, con vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng với cha mẹ thì thuộc một trong các đối tượng không được quyền hưởng di sản theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp cha mẹ để lại di chúc, những người con vi phạm điều trên mà cha mẹ vẫn đồng ý cho thừa kế thì họ vẫn có quyền thừa kế.
Trong trường hợp cha mẹ không để lại di chúc mà người con vi phạm những điều trên thì các anh em khác có quyền kiện để người đó không được hưởng thừa kế, tất nhiên phải có đủ bằng chứng kết luận những vi phạm trên.
Trong quy định trên cho thấy người con vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ phụng dưỡng thì mới bị tước quyền thừa kế. Thế nên trường hợp gia đình hòa thuận, con cái khó khăn không chu cấp được cho cha mẹ nhưng vẫn qua lại thăm nom, dù không trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ thì vẫn không thuộc nhóm bị mất quyền thừa kế.